CÁC LÝ THUYẾT VỀ HỌC TẬP CHO TUỔI THƠ – Tác giả: Tiến sĩ Colette Gray và Tiến sĩ Sean MacBlain
Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn tổng thể, toàn diện về việc học của trẻ em thông qua việc giới thiệu triết lí của các triết gia (John Locke, Jean-Jacques Rousseau, John Dewey) và học thuyết của các nhà khoa học như (Pavlov, Watson); các nhà lí thuyết và thực hành giáo dục (Froebel, Maria Montessori, Rudolf Steiner, Rachel và Margaret McMillan, Piaget, Vygotsky, Bandura, Bronfenbrenner, Bruner). Các lí thuyết được phân tích, phê phán, so sánh với nhau, vì như lời các tác giả “không có lí thuyết đơn lẻ nào có thể giải thích đầy đủ việc học của trẻ em. Mặt khác, mọi lí thuyết đều có các yếu tố hữu ích và vẫn còn nhiều điều để khám phá”.
Trong lần xuất bản thứ hai (2015), cuốn sách đã được bổ sung hai chương mới: Chương 2 (Các quá trình phát triển làm nền cho học tập: Vai trò của lí thuyết và triết lí) và Chương 11 (Bản chất thay đổi của việc học) và mở rộng, cập nhật các chương khác, đưa thêm vào những bằng chứng từ hình ảnh thần kinh và các nghiên cứu quốc tế nhằm xác định các quá trình làm nền tảng cho việc học của trẻ em. Ngoài ra còn có một trang web đồng hành, với các bài báo, tạp chí để đọc cùng với mỗi chương, và đường dẫn (liên kết mạng) đến các video thảo luận về các lí thuyết và phương pháp chính.
Cuốn sách này cần thiết cho mọi giáo viên, phụ huynh, những người làm công tác giáo dục và cho bất kì ai muốn tìm hiểu con đường học tập của trẻ em, để hiểu trẻ em học tập và suy nghĩ như thế nào.
Mời bạn đọc tham khảo phụ lục:
Chương 1. Giới thiệu các lí thuyết về học tập
Chương 2. Các quá trình phát triển làm nền cho học tập: Vai trò của lí thuyết và triết lí
Chương 3. Các nhà lập thuyết và các triết lí về học tập
Chương 4. Thuyết phản xạ có điều kiện cổ điển và thuyết hành vi tùy thuộc hậu quả: Trải nghiệm những năm đầu đời
Chương 5. Piaget, học tập và thuyết kiến tạo về nhận thức
Chương 6. Vygotsky: Học trong ma trận xã hội
Chương 7. Bandura, Bronfenbrenner và học tập xã hội
Chương 8. Bruner và học tập khám phá/thuyết kiến tạo
Chương 9. Những cái nhìn mới: Nghiên cứu tuổi thơ
Chương 10: Lí thuyết trong thực hành: Học tập và những người thực hành suy tư
Chương 11. Bản chất thay đổi của việc học
Giải thích thuật ngữ
Trả lời một số bài tập
QUAN NIỆM MỚI VỀ HỌC TẬP CỦA TRẺ EM
Froebel, Mc Millan, Vygotsky rất coi trọng vui chơi trong học tập. Vui chơi là một phần của cuộc sống, một quyền của trẻ em, để trẻ em được “sống đầy đủ ý nghĩa trong hiện tại và tránh biến học tập thành quá trình chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai” (Dewey).
Với Vygotsky vui chơi có tầm quan trọng cốt lõi, vui chơi có ý nghĩa lớn trong việc giúp phát triển trí tưởng tượng ở trẻ. Khả năng hiểu, nhớ, bắt chước là cần thiết, nhưng chính tưởng tượng mới là một phẩm chất đặc biệt, được phát triển thuận lợi nhất trong thời thơ ấu. Đây là điểm hoàn toàn khác với lối học giáo điều. Nó mở đường cho quan niệm học tập là khám phá của Bruner (Hoa Kỳ, 1915-2016), Piaget và Vygotsky, chống lại lối dạy-học “bảng đen phấn trắng” lối “học vẹt” truyền thống.
Dewey và các nhà lý thuyết học tập khác hết sức quan tâm đến tác động của môi trường và bối cảnh xã hội đối với việc học của đứa trẻ.
Bandura (Canada, 1925-2021) coi tương tác xã hội là trung tâm của học tập và phát triển. Theo Bronfenbrenner (Hoa Kỳ, gốc Nga, 1917-2005) đứa trẻ học tập trong sự tường tác hai chiều với môi trường. Ông đưa ra một mô hình Hệ sinh thái bao gồm 5 lớp môi trường bao bọc xung quanh đứa trẻ, từ lớp gần nhất những mối quan hệ gần gũi, đến lớp xa nhất bao gồm văn hóa, các giá trị xã hội, các cấu trúc pháp lí…
Cả Piaget và Vygotsky đều coi phát triển của trẻ em là kết quả của sự tương tác giữa đứa trẻ và môi trường xã hội. Vygotsky thấy trẻ em “học trong ma trận xã hội”. Piaget cũng như Dewey, coi trọng môi trường đến mức cho vai trò của thầy giáo chỉ là tổ chức môi trường hơn là chỉ dạy, trong khi Vygotsky dành cho giáo viên vai trò quan trọng, là người tạo điều kiện, người “bắc giàn” (một khái niệm rất được Bruner tán thưởng) và phát triển. Trong các mối tương tác thì ngoài tương tác với thầy và người lớn, tương tác giữa bè bạn cùng lứa (peer) được coi là thật sự hữu ích, nhất là giữa những trẻ chênh nhau về trình độ phát triển. Bandura, Bruner chú ý đến động cơ của đứa trẻ, động lực bên trong thay vì tác động bên ngoài. Montessori xây dựng ý thức tự chịu trách nhiệm ở trẻ nhỏ, còn Bandura đưa ra khái niệm “tự-lo” (self-efficacy), bồi dưỡng thái độ tự tin ở thành công của đứa trẻ. Bruner, Vygotsky nghiên cứu vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển tư duy, tuy nhiên, nhiều nhà lý thuyết không tán thành quan điểm “ngôn ngữ đi trước tư duy” của Vygotsky.
Phương pháp nghiên cứu của các nhà lý thuyết học tập “lấy cá nhân đứa trẻ làm tiêu điểm nghiên cứu”, là phương pháp định tính, chủ yếu dựa vào quan sát, thực nghiệm, phỏng vấn, (nó trái ngược với các thí nghiệm trên trẻ nhỏ có vẻ như khoa học, khách quan, nhưng thực chất là vô cảm). Họ chú ý đến quá trình hơn kết quả, chú ý đến sự tìm tòi suy nghĩ của đứa trẻ hơn là đến câu trả lời. Nhiều ngành khoa học xã hội (xã hội học, nhân học, đặc biệt là tâm lí học) đóng góp vào nghiên cứu học tập của trẻ em. Nghiên cứu đòi hỏi sự tham gia của trẻ nhỏ, và sự tham gia ngày càng tăng. Gần đây trẻ em đã có những quyền trong nghiên cứu mà trước đây chưa từng có, trẻ em không còn bị coi là đối tượng của nghiên cứu, mà ngày càng tham gia tích cực và chính thức trở thành những cộng sự của quá trình nghiên cứu.
(Dịch giả Hiếu Tân, Các lí thuyết về học tập cho tuổi thơ, Colette Gray & Sean MacBlain)
—————————-
PHÒNG SÁCH TÂM LÝ HỌC
www.psychology.edu.vn
Hotline/Zalo 0365 797 485
Đánh giá
There are no reviews yet